Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Chùm Ảnh vui về Sinh viên ! :))

Tiền bạc đối với chúng ta chỉ là giấy vụn mà thôi

Sau 1 đêm Lê-tê-phê


Không lời


Đây thì chắc cú là trường điện ảnh rồi


Có lẽ là dân trường ....xiếc


XEm trộm nàng tắm....



Thangmanu's blog

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

Blog radio 405: "Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường của thành phố."

.Môi trường thành phố những năm gần đây



1. Về môi trường đất:

Là địa phương có quỹ đất ít, tổng diện tích tự nhiên là 151.919 ha, bình quân khoảng 905 m2/người và có xu hướng giảm do dân số tăng, nhu cầu đất chuyên dùng tăng. Nguồn tài nguyên đất chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả đặc biệt là đất dốc; năng suất trung bình của các loại cây trồng chính thấp. Bên cạnh đó, sự phân bố dân cư chưa hợp lý, tập trung chủ yếu ở đô thị. Đất đô thị bình quân khoảng 264 m2/người và ngày càng giảm dần. Thoái hoá đất là xu thế phổ biến đối với nhiều vùng rộng lớn do phương thức canh tác lạc hậu, do việc lạm dụng hoá chất và các loại thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, canh tác không đúng kỹ thuật gây ô nhiễm và suy thoái nhiều vùng đất. Những kỹ thuật tiến bộ, thân thiện với môi trường chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp.
2. Về môi trường nước:

Các sông Đa Độ, sông Rế và sông Giá là những nguồn cung cấp nước ngọt chính cho thành phố với trữ lượng nước 21.077.300 m3 và được cung cấp liên tục từ hệ thống sông thượng nguồn. Hiện nay chất lượng nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và có độ cứng cao, có hàm lượng chất hữu cơ, dầu, quá tiêu chuẩn cho phép do nước thải đồng ruộng mang theo dư lượng hoá chất của thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm, do nước thải công nghiệp, đô thị và từ các hoạt động giao thông thuỷ gây ra. Nước sông Rế, sông Giá hiện có dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, đặc biệt tích luỹ cao trong trầm tích đáy sông. Ô nhiễm dầu trong môi trường nước mặt ở vùng cửa sông ven biển Hải Phòng đã vượt TCCP và chủ yếu do các hoạt động giao thông thuỷ gây ra. Việc khai thác nước ngầm ở một số khu vực nội thành, ngoại thị đã gây nên hiện tượng hạ nhanh mực nước ngầm, làm giảm lưu lượng và làm ô nhiễm nguồn nước.
3. Về môi trường không khí:

Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu ở khu vực nội thành do hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt. Các chỉ tiêu bụi đang xấp xỉ ở mức tiêu chuẩn cho phép, một số khu vực đã có nồng độ bụi vượt TCVN về môi trường, đặc biệt khu vực quanh nhà máy xi măng Hải Phòng. Ô nhiễm khí độc hại và tiếng ồn có tính cục bộ, chủ yếu tại các nút giao thông chính của thành phố. Trong tương lai, mức ô nhiễm do sinh hoạt sẽ được giảm xuống cùng với sự tăng mức sống của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm do công nghiệp và giao thông có xu hướng gia tăng nhanh cùng với tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá. Môi trường không khí vùng nông thôn, các khu du lịch, vùng ven biển và hải đảo của thành phố nhìn chung còn chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.
4. Về rừng và độ che phủ của thảm thực vật:

Hải phòng có tổng diện tích rừng là 17.998,7 ha, trong đó: rừng đồi núi là 12.527 ha, rừng ngập mặn: 2.253 ha và rừng ven sông là 710 ha. Diện tích bị biến động, cả về số lượng loài do cây rừng chết tự nhiên hoặc chuyển mục đích canh tác. Tỷ lệ che phủ rừng trên đất đai tự nhiên đạt 28,8%, và độ che phủ bình quân là 0,15m2 / người. Rừng tự nhiên tập trung chủ yếu trên đảo Cát Bà, phổ biến là thực vật tự nhiên sống trên núi và các thung lũng đá vôi. Vườn Quốc Gia Cát Bà thuộc loại hình rừng tự nhiên, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như Lát hoa, Trai Lý, Chò Đài, Kim Giao, Độc Nếp.
Thực vật biển ở Hải Phòng chủ yếu tập trung ở một số bộ rong tảo, rong câu và thực vật phù du, trong đó có các loài thực vật biển có giá trị kinh tế cao như các loài rong câu, phân bố trên khu vùng triều giữa và độ sâu từ 0-1m. Hàm lượng Agar trong rong câu ở Đình Vũ và huyện Tiên Lãng tương đối cao. Sự suy thoái đa dạng sinh học ở Hải Phòng gần đây đã đến mức báo động. Nguyên nhân là do môi trường sống của sinh vật bị biến đổi, bị ô nhiễm, bị săn bắt trái mùa, bằng các phương tiện huỷ diệt, khai thác trái phép các động, thực vật quí hiếm.
Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ. Song những năm gần đây số lượng cây phượng trên đường phố đã giảm xuống rất nhiều do bão, gió. Lượng trồng thêm lại rất ít, cây trên đường phố Hải Phòng hiện nay chủ yếu là Keo Tai tượng, Gạo gai, Xà cừ, Phượng, Bàng, Vông.
Về động vật: có 28 loài thú, 37 loài chim và 20 loài bò sát lưỡng cư. Có 186 loài và phân loài chim. Khu hệ chim ở Hải Phòng thể hiện tính đa dạng về cấu trúc, thành phần loài, đa dạng về sự phân bố theo sinh cảnh. Khu vực núi Đấu, Kiến An đang là nơi tập trung khoảng 5 loài vạc về cư trú, sinh sản và đang phát triển.
Hải sản đa dạng và phong phú với khoảng 105 họ, số họ có từ 5 loài trở lên khoảng 20%. Tôm ở vùng biển Hải Phòng có nhiều loài như tôm he, tôm hùm, tôm gỗ, tôm sú, tôm nương, trong đó tôm he là chủ yếu. San hô ở vùng biển Hải Phòng gồm khoảng gần 150 loài, phân bố ở vùng biển Cát Bà, Bạch Long Vỹ. Các rạn san hô này đang bị đe doạ khai thác bừa bãi làm nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ.
5. Về khoáng sản:

Tiềm năng khoáng sản ở Hải Phòng khá đa dạng, gồm một số loại khoáng sản như: sa khoáng Titan - Ziriconi, đá vôi xây dựng, đá vôi ốp lát, phốt pho rit, silic hoạt tính, sét... Đá vôi xây dựng có trữ lượng lớn nhất, ước tính vào khoảng 500 triệu tấn, sét vào khoảng 65 triệu m3, các loại khoáng sản khác đều có trữ lượng nhỏ, không đáp ứng như cầu khai thác. Các bãi cát lớn như cát sông Đá Bạc, cửa Nam Triệu, nam đảo Đình Vũ, cửa Cấm chủ yếu là cát đen, lượng cát vàng rất hiếm. Nhìn chung, các vùng khai thác đều không có kế hoạch hoàn nguyên môi trường và xử lý đất, đá thải nên đã phá hoại môi trường nghiêm trọng. Việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn.
6. Về môi trường công nghiệp:

tốc độ công nghiệp hoá thời gian qua ở Hải Phòng tương đối nhanh. ăm 2000 có 10.094 cơ sở, đến năm 2002 có 11.606 cơ sở, trong đó cơ sở ngoài nhà nước chiếm xấp xỉ 90%. Các cơ sở công nghiệp đầu tư trong nước nhìn chung có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất của các cơ sở công nghiệp cũ rất lạc hậu, điển hình là Công ty Xi măng Hải Phòng. Đến nay chỉ có khoảng 10,2% cơ sở công nghiệp cũ đã đổi mới công nghệ. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư nhiều năm nay bị khiếu kiện vì gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm do nước thải ra khu vực xung quanh. Trong 3 khu/cụm công nghiệp thì chỉ có khu công nghiệp NOMURA đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đến nay, thành phố chưa quản lý được chất thải công nghiệp nguy hại như cặn dầu thải, hoá chất, chất thải từ ngành điện tử. Phần lớn chất thải nguy hại được thu gom và chôn lẫn với rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn mối nguy cơ cao ô nhiễm cho môi trường đất và nước.
Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 1221/QĐ-UB ngày 3/6/2003 phê duyệt Kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hải Phòng. Một số doanh nghiệp trong danh sách này phải đầu tư để giảm thiểu, một số khác phải di dời hoặc phải đình chỉ hoạt động. Nhìn chung việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp về mặt tài chính, địa điểm di dời và những vấn đề xã hội khác.
7. Về môi trường đô thị:

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị còn rất yếu kém, đang bị quá tải nghiêm trọng. Trong Quy hoạch phát triển đô thị chưa có nội dung đánh giá tác động môi trường. Tình hình môi trường nước đô thị vẫn đang là vấn đề nan giải. Tỷ lệ dân được cấp nước máy khoảng 80%.
Khu vực nội thành, nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp được thoát chung qua một hệ thống với các loại đường ống được xây dựng từ trước năm 1954 Hiện trạng chất lượng của hệ thống thoát nước nội thành còn chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước do chưa được bảo dưỡng, sửa chữa đầy đủ, thường xuyên bị ngập lụt ở nhiều nơi do hệ thống thoát nước đã quá tải. Do không được xử lý nên nước thải nội thành rất bẩn cùng với lượng bùn ga cống trực tiếp gây ô nhiễm cho nguồn nước tiếp nhận tại các hồ, ao, kênh, mương thuỷ lợi và các con sông xung quanh khu vực nội thành. Diện tích các hồ điều hoà đang bị thu hẹp dần do bị lấn chiếm, bị bồi lắng không được khai thông. Hiện nay, thành phố vẫn chưa có trạm xử lý nước thải đô thị tập trung.
Chất thải rắn phát sinh trong khu vực đô thị khoảng 1.100 m 3/ngày, được thu gom và đổ ra bãi rác của thành phố. Biện pháp xử lý chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh môi trường. Chất thải bệnh viện khoảng 10 m3/ngày (4,5 - 5 tấn / ngày) trong đó chất thải độc hại chiếm khoảng 20%. Rác thải bệnh viện được thu gom rồi đổ ra bãi rác chung cùng với chất thải sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện nay, thành phố vẫn chưa quản lý được chất thải bệnh viện. Ngoài ra, do đặc thù là thành phố cảng, hàng năm đô thị Hải Phòng còn phải đối mặt với một lượng chất thải rắn từ các hoạt động cảng như dầu cặn khoảng 3000-5000tấn / năm, hiện mới chỉ thu gom được xấp xỉ 900 - 1000 tấn /năm (20 -30%).
8. Về môi trường nông thôn, khu du lịch:

Khu vực nông thôn có mật độ cây xanh, hoạt động công nghiệp còn thấp. Chất lượng môi trường không khí vùng nông thôn còn chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên nước sinh hoạt nông thôn hiện nay đã trở thành một vấn đề bức xúc. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học đã và đang cục bộ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm gia tăng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản thực phẩm, gây nhiễm độc và ngộ độc cho người sử dụng. Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật chưa chặt chẽ, kiểm tra và hướng dẫn sử dụng chưa đầy đủ, thuốc nhập lậu chưa kiểm soát nổi.
Việc nuôi trồng thuỷ sản cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, gây suy thoái rừng ngập mặn; phương thức nuôi có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất là nuôi thâm canh với mật độ vật nuôi thả dầy và sử dụng nhiều thức ăn. Lượng thức ăn dư thừa, chất thải vật nuôi tích tụ dưới đáy ao cùng với việc quản lý ao nuôi kém, thiếu các biện pháp xử lý môi trường, là nguyên nhân gây nên sự bùng nổ về dịch bệnh cho các vật nuôi.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vùng nông thôn của Hải Phòng đang là vấn đề nghiêm trọng do công nghệ sản xuất rất lạc hậu, thủ công là chính, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, nằm xen kẽ trong dân cư và hầu hết là không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Điển hình là làng nghề Mỹ Đồng- huyện Thuỷ Nguyên chuyên đúc các mặt hàng như chân máy khâu, nồi gang, cối, tượng.
Nước sinh hoạt ở nông thôn Hải Phòng đã có những tiến bộ đáng kể, khoảng 42% tổng số hộ nông dân được sử dụng nước sạch. Các khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà, Núi Voi với các loại hoạt động dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, mật độ người tại đây tăng rất cao vào mùa hè đã nảy sinh một vấn đề bức xúc về rác thải đô thị và du lịch. Rác thải từ trên bờ, dầu mỡ thải từ các tàu thuyền đánh bắt hải sản trong khu vực làm giảm chất lượng nguồn nước, hoạt động du lịch quá tải về mùa hè đang gia tăng sức ép lên môi trường và tài nguyên.
9. Về môi trường cảng, vùng cửa sông ven biển:

Chất lượng nước vùng cửa sông ven biển Hải Phòng đã có những dấu hiệu báo động: Độ đục khu vực trong mùa lũ khá lớn, tăng lên rất rõ trong thời gian qua ở khu bãi tắm Đồ Sơn và vùng Đông Nam Cát Bà. Khu vực biển Hải Phòng nhìn chung chưa bị ô nhiễm hữu cơ. Sự nhiễm bẩn dầu chủ yếu tại các cảng, bến bãi và dọc theo tuyến luồng giao thông. Nguyên nhân do rác thải, nước thải từ hệ thống nước thải nội thành, nước thải khu du lịch không qua hệ thống xử lý. Rò rỉ dầu và chất thải rắn do các hoạt động giao thông đường thuỷ ngày càng nhiều và chưa quản lý được, ngoài ra còn có lượng dầu tràn do các sự cố đắm tàu.
Hoạt động phá dỡ tàu cũ đang ngày càng gia tăng với nhiều chủng loại tàu được phá dỡ. Phương pháp phá dỡ hầu hết là thủ công. Chất thải từ hoạt động này chứa nhiều chất dễ cháy, nổ, chất thải độc hại. Hầu hết các bến bãi phá dỡ không có hệ thống xử lý nước thải, thậm chí không có cầu cảng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất. Hoạt động này hiện nay gần như là tự phát do nhu câu về nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp thép, chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng phát triển cuả thành phố.
Hoạt động chuyển tải xăng dầu tại Bạch Đằng 8, vịnh Lan Hạ là khu vực nhạy cảm môi trường đang có xu thế gia tăng. Khu vực Lan Hạ gần như không có cơ sở hạ tầng cho hoạt động dịch vụ cảng, càng không có các phương tiện phòng chống sự cố dầu tràn. Những hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, tai biến môi trường rất nghiêm trọng.
10. Về môi trường lao động:

Trình độ công nghệ của công nghiệp Hải Phòng còn thấp, máy móc, thiết bị cũ kỹ và thiếu hệ thống xử lý ô nhiễm, vì vậy, môi trường lao động hiện đang không đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn lao động. Công tác an toàn, trang bị thiết bị bảo hộ lao động được nhiều đơn vị quan tâm nhưng chưa thoả đáng, đặc biệt những cơ sở có phát thải chất thải độc hại chưa đảm bảo môi trường an toàn để tái tạo sức sản xuất cho người lao động.
11. Về sự cố môi trường:

- Tràn dầu: Hải Phòng có 14 cảng. Các cảng chiếm trên diện tích lớn của khu vực cửa sông đã gây nên hàng loạt các vấn đề về môi trường nguy hiểm nhất vẫn là sự cố tràn dầu do những vụ đắm tàu, bơm nước la canh trong khu vực cảng. Thành phố chưa có kế hoạch ứng cứu tràn dầu, chưa đầu tư phương tiện ứng cứu.
- Rò rỉ và tồn đọng hoá chất độc hại: Các sự cố môi trường do rò rỉ hoá chất công nghiệp xảy ra trên địa bàn thành phố không nhiều, nhưng đã để lại những hậu quả cho môi trường và xã hội. Điển hình là vụ nổ kho xăng dầu K31 Thuỷ Nguyên.
- Ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tràng Cát: Bãi rác Tràng Cát gây ô nhiễm môi trường nước, không khí (mùi khó chịu) do không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của bãi chôn lấp chất thải. Cho đến nay vẫn chưa xử lý được.



II. Những thách thức với môi trường thành phố Hải Phòng trong thời gian tới


1. Những vấn đề môi trường bức xúc chưa được giải quyết trong khi đó dự báo mức độ ô nhiễm tiếp tục tăng.
1.1 Nguồn cấp nước, thoát nước

Nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước là nước mặt của hệ thống sông Rế, sông Giá và sông Đa Độ được dẫn về qua các kênh chuyên dùng và hiện đang bị đe doạ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp. Mặt khác cơ chế quản lý khai thác mạng lưới chưa được tốt, các hiện tượng dân tự ý đục đường ống để lắp đặt đường ống sử dụng tự do xảy ra nhiều và không kiểm soát được.
Hệ thống thoát nước của thành phố đã xuống cấp và không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế của nhu cầu phát triển hiện nay. Diện tích các hồ điều hoà đang bị thu hẹp dần do lấn chiếm, do bị bồi lắng, do rác thải.
1.2 Cơ sở sản xuất công nghiệp xen lẫn trong khu dân cư.

Hiện nay có khoảng trên 12.300 cơ sở công nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn Hải phòng thuộc rất nhiều loại hình: sản xuất thực phẩm, sản xuất thép, đúc, thủ công, dệt len, các cơ sở sản xuất cơ khí, các cơ sở chế biến thuỷ sản, sản xuất xi măng, giấy, thép, bia, may mặc, đóng và sửa chữa tàu và thuỷ tinh. Gần 90% các cơ sở công nghiệp này nằm xen kẽ trong khu dân cư trong 5 quận nội thành, phần nhiều sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu không gian để phát triển và không có hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tất cả nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều thải thẳng vào hệ thống thoát nước của Thành phố hoặc ao, hồ điều hoà, kênh, mương. Chất thải rắn thải ra được Công ty Môi trường đô thị thu gom vận chuyển về bãi rác Thành phố.
Giải quyết triệt để tình trạng là phải quy hoạch lại các khu công nghiệp, di dời và thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng thân môi trường và đòi hỏi đầu tư rất lớn. Sự thiếu hụt công nghệ hiện đại, công nghệ thân môi trường, áp dụng sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế là một thách thức lớn mà Hải phòng cần phải vượt qua.
1.3 Khai thác khoáng sản

- Tình trạng quản lý và khai thác tại các mỏ sét hiện còn rất nhiều bất cập, thiếu tính thống nhất. Ranh giới phân chia mỏ không rõ ràng. Các mỏ sét khác đều khai thác theo phương pháp thủ công, phục vụ cho hầu hết là các lò nung truyền thống. Việc quản lý các mỏ sét này do chính quyền địa trực tiếp quản lý, nên việc giảm thiểu các ảnh hưởng về khí thải, khói bụi và an toàn mỏ cũng như việc bảo vệ môi trường dường như đã không được chú trọng.
- Tại các khu vực khai thác đá vôi (Tràng Kênh, Lại xuân, Liên Khê, An Sơn, Gia Đước...) nhiều đối tượng đang khai thác rất tuỳ tiện, không theo quy trình quy phạm, vấn đề an toàn lao động trong khâu khoan và nổ mìn rất khó quản lý. Chỉ riêng xã Lại Xuân có 16 điểm khai thác, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 6000m3 đá núi tự nhiên. Đoạn sông Đá Bạc tại Phi Liệt đang thu hẹp dần, hiện lòng sông chỉ còn khoảng 35 - 40m do chất thải rắn và mạt đá từ các mỏ đổ thải trực tiếp vào khúc sông này gây nên tình trạng thắt cổ chai. Với tốc độ phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng như hiện nay, tài nguyên đá vôi của Hải Phòng đang bị giảm khá nhanh, đã có những núi đá đã biến mất trong thời gian qua. Nếu không có biện pháp khai thác tiết kiệm, hợp lý, đá vôi Hải Phòng sẽ không còn trong tương lai gần.
- Tình trạng khai thác cát lòng sông, ven biển bừa bãi như hiện nay đã tạo ra những mối đe doạ cho hệ thống các đê, gây ra hiện tượng sa bồi, sói lở bất thường tại các dòng sông.
2. Thách thức trong việc lựa chọn lợi ích trước mắt về kinh tế và lâu dài về môi trường và phát triển bền vững
- Hoạt động bảo vệ môi trường là nhằm hạn chế, khắc phục ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và ngăn ngừa suy thoái môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường thường mâu thuẫn với phát triển. Để phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 32/NQ-TW, Hải Phòng sẽ có những hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất thành những sản phẩm cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khi đó sẽ làm biến đổi môi trường, sinh thái. Thách thức là đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thành phố nhưng làm sao để môi trường vẫn làm đầy đủ ba chức năng: Đảm bảo không gian sống với chất lượng tốt cho con người, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý các phế thải của hoạt động của con người.
- Trong thời gian tới, yêu cầu đối với Hải Phòng là tiếp tục đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện còn thấp kém, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, tiềm lực khoa học và công nghệ còn hạn chế nếu không ngăn chặn kịp thời dễ dẫn tới những hành vi chấp nhận, đánh đổi nhiều giá trị, lợi ích về môi trường để thực hiện các mục tiêu trước mắt đơn thuần về kinh tế. Đây là thách thức rất lớn đối với môi trường Hải Phòng, vì khi đã xảy ra theo chiều hướng này thì việc khắc phục sẽ rất tốn kém, thậm chí trong nhiều trường hợp không thể thực hiện được.
3. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường lạc hậu, nguồn lực bảo vệ môi trường của nhà nước và doanh nghịêp hạn chế:
Tình trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở đô thị, nông thôn, vùng ven biển và hải đảo cũng như trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, đặc biệt của các cơ sở vừa và nhỏ của Hải Phòng còn rất lạc hậu và thấp kém. Nền kinh tế còn chậm phát triển nên những yêu cầu về phát triển bền vững ít có đủ điều kiện vật chất để thực hiện. Các nguồn đầu tư của Hải phòng chỉ được tập trung chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp mà ít có sự đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Để giải quyết các vấn đề đang tồn tại về môi trường và hạn chế mức gia tăng ô nhiễm trong thời gian tới đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư rất lớn cho môi trường, trong khi khả năng tài chính của Nhà nước cũng như của các doanh nghiệp đều rất hạn hẹp.
4. Gia tăng dân số, di dân tự do và nghèo.
Tỷ lệ tăng dân số Hải Phòng vẫn ở mức khá cao, dự báo đến năm 2020 dân số Hải Phòng sẽ là 2,142 triệu (dân đô thị là 1,1 triệu). Sức ép dân số tiếp tục tăng, tình trạng thiếu việc làm, ô nhiễm do nhiều người còn nghèo, không có điều kiện cải thiện vệ sinh gia đình, do một số người sống quá thừa thãi, sử dụng lãng phí... là những lực cản lớn trên con đường phát triển bền vững của Hải Phòng, đòi hỏi phải có chiến lược tài nguyên, môi trường phù hợp, đi đôi với chiến lược dân số và chiến lược tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo.
5. Ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn thấp:
Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững của một số nhà quản lý, các doanh nhân và cộng đồng còn chưa đầy đủ. Ý thức tự giác chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền, các doanh nhân còn rất hạn chế dẫn tới tình trạng ô nhiễm công nghiệp kéo dài, chưa có hướng khắc phục. Hành vi gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường trong các khu dân cư vẫn còn rất phổ biến do cộng đồng chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Tư tưởng bao cấp còn rất nặng nề nên việc tham gia bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong xã hội còn rất hạn chế, đặc biệt trong công tác vệ sinh đô thị, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học trong Nông nghiệp, sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm.
6. Tổ chức và năng lực quản lý về môi trường còn hạn chế:
Hệ thống tổ chức quản lý môi trường từ Thành phố đến phường, xã, ở các ngành năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị kỹ thuật và cả về cơ chế quản lý. Năng lực kiểm soát, khống chế, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường chưa đáp ứng yêu cầu dẫn tới ô nhiễm có nguy cơ tiếp tục gia tăng, chất lượng môi trường tiếp tục xấu đi, tài nguyên sinh thái và đa dạng sinh học tiếp tục bị đe doạ ngày càng tăng.
Việc phân cấp quản lý môi trường giữa thành phố và các quận, huyện, thị xã còn chưa được thực hiện, còn nhiều nhiệm vụ quản lý chưa thể triển khai của cơ quan quản lý cấp thành phố, đối tượng cần phải quản lý còn rất nhiều trong khi các quận, huyện, thị xã, các tổ chức xã hội chưa được tham gia.
7. Hội nhập quốc tế ngày càng cao về môi trường:
Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế trong đó có tự do thương mại hoá đã, đang và sẽ đặt nền kinh tế mới phát triển của Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng trước một cuộc cạnh tranh phát triển không cân sức. Những hạn chế về tài chính buộc Hải Phòng phải khai thác mọi nguồn nội lực và điều này sẽ gây áp lực mạnh mẽ đối với tài nguyên và môi trường, đặc biệt bối cảnh Quốc tế và khu vực trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến không thuận lợi. Những dòng chất thải, rác thải, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nguyên, nhiên vật liệu và tài nguyên sẽ theo dòng toàn cầu hoá nhập khẩu vào Hải Phòng, sẽ tác động mạnh đến hành vi của con người, trở thành những thách thức đối với môi trường Hải Phòng, một thành phố cảng có giao lưu rộng rãi với Quốc tế.



III.Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái


1. Bảo vệ tài nguyên đất.

Chiến lược sử dụng và bảo vệ môi trường tài nguyên đất Hải Phòng phải gắn với chiến lược phục hồi rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi rừng ngập mặn. Đến năm 2005 phải có chính sách bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tăng cường hỗ trợ việc khai thác bền vững tài nguyên đất.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, chiến lược, chính sách, quy hoạch và sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất. Áp dụng có hiệu quả công cụ quản lý để giải quyết hài hoà các vấn đề liên ngành trong sử dụng đất, khai thác tài nguyền khoáng sản với việc bảo vệ môi trường, với các lĩnh vực phát triển khác.
Phải sử dụng một cách có hiệu quả và hết sức tiết kiệm quĩ đất cho phát triển công nghiệp. Phải quy hoạch thành các khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải tập trung để tiết kiệm quỹ đất và hạn chế ô nhiễm đất. Khi di dời các cơ sở công nghiệp, cần đánh giá mức độ ô nhiễm đất để có kế hoạch xử lý ô nhiễm và tái sử dụng hợp lý.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Khắc phục tình trạng lạm dụng các loại phân vô cơ và hoá chất trong sản xuất nông nghiệp làm bạc màu, thoái hoá đất, ô nhiễm các nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học các vùng nông thôn của Hải Phòng, đặc biệt các vùng đất có năng suất cao. Nghiên cứu thay đổi phương thức canh tác theo hướng đảm bảo cân bằng sinh thái và bền vững, nâng cao chất lượng đất, giảm diện tích đất thoái hoá, bạc màu. Áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học, chống rửa trôi, xói mòn. Cần mở rộng chương trình IPM, tăng cường dùng phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học. Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp gắn liền với chiến lược khai thác hợp lý tài nguyên đất, với bảo vệ tài nguyên và môi trường đất. Các vùng đất phải cải tạo để sử dụng nhưng có vùng đất phải sử dụng phù hợp với sinh thái, tránh tốn kém trong đầu tư quá đắt mà hiệu quả mang lại không lớn.
2. Bảo vệ tài nguyên nước.

Tiến hành kiểm kê, phân loại các dạng tài nguyên nước; nước ngọt, nước lợ, nước mặn, dưới đất để có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm, phù hợp với đặc điểm sinh thái, ngăn ngừa và phòng ô nhiễm, làm cho tài nguyên nước kiệt đi và mất khả năng tự phục hồi về lượng. Đối với Hải Phòng, cần có chính sách bảo tồn tài nguyên nước lợ, nước chứa đựng các tài nguyên sinh vật và dạng tài nguyên khác rất đa dạng và phong phú. Nghiên cứu sử dụng nước biển trong làm sạch công nghiệp.
Tổ chức đánh giá và kiểm soát được chất lượng, trữ lượng nước ngầm; có kế hoạch đầu tư phát triển tài nguyên nước và ban hành các quy định cụ thể về khai thác nguồn nước ngầm.
Tài nguyên nước khoáng, nước nóng cần tiếp tục được điều tra thăm dò, đánh giá trữ lượng để khai thác cho nhu cầu chữa bệnh, du lịch giải trí, kể cả nguồn năng lượng địa nhiệt (Tiên Lãng, Cát Bà). Bảo vệ tài nguyên nước các đầm, hồ ao, đất ngập nước cần nghiên cứu nuôi trồng các loại thuỷ sản như sen, súng, tôm cá, ba ba...
Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về tài nguyên nước theo hướng khai thác bền vững nguồn nước mặt và nước ngầm. Thực hiện việc quy hoạch và quản lý các lưu vực sông chính như: Sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn úc, đặc biệt là các sông cung cấp nguồn nước ngọt như sông Giá, sông Rế, sông Đa Độ.
Tiến hành thu phí sử dụng tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước đã ban hành.
3. Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

- Phục hồi và phát triển vốn rừng (rừng tư nhiên, rừng đặc dụng, rừng phân tán, rừng ngập mặn..) và nâng diện tích che phủ thực vật.
Nội dung phát triển diện tích rừng gồm trồng mới 2658 ha rừng, trong đó: rừng phòng hộ môi sinh là: 1319 ha, rừng phòng hộ ven biển là 629 ha, rừng phòng hộ ven sông là 710 ha. Huy động các xã tăng cường trồng mới các loại rừng phân tán tại những nơi đất trống. Đặc biệt, chú trọng việc khôi phục diện tích các khu vực rừng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ rừng Quốc gia Cát Bà, nâng cao chất lượng rừng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển đa dạng sinh học.
Nghiêm cấm việc phá huỷ rừng ngập mặn, các hệ sinh thái nhạy cảm cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; phòng ngừa cháy rừng song song với việc phục hồi các hệ sinh thái và các khu rừng ngập mặn, v.v..
Đối với rừng trồng trên đồi núi thấp, rừng phân tán trên đồng bằng cần nghiên cứu các loại cây có giá trị kinh tế cao có thể xuất khẩu như long nhãn và vải thiều, kết hợp với nhu cầu tại chỗ. Mở rộng diện và đối tượng bảo tồn trong vườn quốc gia Cát Bà bao gồm các rạn san hô, các giống loài đặc hữu ven bờ biển, đảo...
-Tăng tỷ lệ cây xanh trong đô thị và khu công nghiệp, đến năm 2010 đảm bảo tỷ lệ qui định đối với đô thị cấp 1 cấp Quốc gia.
Thực hiện các chương trình xanh hoá khu vực nội thành, các khu vực thị xã, thị trấn và các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp cần bố trí hệ thống công viên nối với nhau tạo ra không gian cây xanh có giá trị môi trường. Nâng diện tích công viên, khuôn viên cây xanh khu vực nội thành, trồng cây dọc tuyến đường giao thông quan trọng, v.v..
Nghiên cứu quy hoạch cây xanh và thảm thực vật nội thành theo hướng đô thị hiện đại và đảm bảo chất lượng môi trường sống cao.
- Bảo vệ và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà khi được công nhận. Mở rộng diện và đối tượng bảo tồn trong vườn quốc gia Cát Bà.
Coi nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có tầm quan trọng như nhiệm vụ phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Bảo tồn thiên nhiên góp phần cân bằng sinh thái, tạo sự ổn định tự nhiên. Bảo tồn các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái ven biển hạn chế thiên tai, lũ lụt, giữ được sự ổn định mực nước mặt và nước ngầm. Tiến hành khoanh vùng bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, có tính đa dạng sinh học cao, theo quy chế đặc biệt nhằm tăng số lượng vùng và diện tích bảo tồn trên phạm vi toàn thành phố. Quy hoạch khu bảo tồn phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Vườn Quốc gia Cát Bà đã, đang và sẽ là Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và Thế giới. Thành lập cơ quan quản lý và điều hành và tăng cường kiểm soát mọi hoạt động phát triển đảm bảo giữ đúng tính chất của các vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, đảm bảo phát triển bền vững đi đối với bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
- Bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt sinh học biển (quanh khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ), bao gồm các rạn san hô, các giống loài đặc hữu ven bờ biển, đảo, đất ngập nước, rừng ngập mặn...
Phân vùng chức năng biển và ven biển, quản lý tổng hợp các hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ven biển Cát Bà-Đồ Sơn, thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển và ven biển, phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của thiên tai ven biển. Trước mắt, cần khoanh định, bảo vệ các khu rừng ngập mặn có giá trị sinh thái cao dọc theo dải bờ biển, áp dụng các phương thức khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng an toàn sinh thái. Chú trọng đánh giá tác động môi trường đối với mọi hoạt động có khả năng gây suy thái tài nguyên, suy giảm nguồn lợi hải sản, tổn thất đa dạng sinh học qua việc phá huỷ nơi cư trú, rạn san hô, ô nhiễm chất thải từ đô thị, khu công nghiệp, các hoạt động giao thông vận tải biển, du lịch. Đặc biệt, Hải Phòng còn chịu ảnh hường của ô nhiễm xuyên biên giới do dòng hải lưu từ phía Bắc xuống và phía Nam lên.
Kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc buôn bán các động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như voọc đầu trắng, san hô. Loại bỏ các phương thức khai thác huỷ diệt, đặc biệt là trong khai thác thuỷ sản; đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn nội vi kết hợp với biện pháp bảo vệ ngoại vi.
Kiên quyết bằng nhiều biện pháp về luật pháp, hành chính, khuyến khích kinh tế, chấm dứt khai thác đi đến cạn kiệt nguồn, huỷ diệt môi trường sinh thái, phá huỷ các nơi cư trú của các giống loài thực vật biển. Mọi dự án khai hoang lấn biển, phát triển trên bờ biển, khai thác tài nguyên biển đều phải đánh giá tác động môi trường và có biện pháp bảo vệ hữu hiệu môi trường biển.
Đất ngập nước các huyện Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên là một hợp phần đặc biệt quan trọng của môi trường Thành phố. Bảo vệ các nguồn đất ngập nước là nhằm sử dụng có hiệu quả các vùng đất ngập nước, bảo vệ đa dạng sinh học trong vùng, đồng thời duy trì các chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội của những vùng đất này.
Quy hoạch lại vùng nuôi trồng hải sản ven bờ biển, bảo vệ phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ các đầm phá, bãi triều, các rạn san hô, các nguồn tài nguyên biển là những nhiệm vụ phức tạp nặng nề nhưng lại rất bức xúc ở vùng nông thôn ven biển. Một sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng làng bản, tư nhân có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại của chiến lược đối với vùng ven bờ biển và biển.
Kiểm soát chặt chẽ sự xâm lấn sinh học từ cửa khẩu cảng biển do các tàu biển từ nước ngoài đưa đến.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, trong xử lý chất thải.
Theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Trung ương Đảng về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường phải tập trung vào các nhiệm vụ như: nghiên cứu cơ bản hiện trạng môi trường và tài nguyên của Thành phố nhằm thống kê và dự báo môi trường, xây dựng hệ thống quan trắc về diễn biến chất lượng môi trường không khí, nước, đất, dự báo những khả năng xảy ra tai biến môi trường; nghiên cứu điều kiện môi trường và tự nhiên vùng Hải Phòng làm luận cứ hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; nghiên cứu các giải pháp chiến lược, chính sách về BVMT; qui hoạch môi trường; nghiên cứu luận cứ tổ chức dân cư và giao thông đô thị; nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường dải ven biển; nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn, giải pháp bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù Cát Bà, chống xâm nhập mặn các sông; nghiên cứu áp dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.
Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Sử dụng các giải pháp khoa học, công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng chống giảm nhẹ tác hại thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong nông nghiệp và xử lý chất thải, công nghệ tiên tiến GIS trong quan trắc và điều tra tài nguyên, môi trường, dự báo khí tượng thuỷ văn, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng chiến lược phát triển và bố trí hợp lý không gian lãnh thổ và dân cư, bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái.

HN, 20/1